banner
“Quản lý đầu tư công: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

06/07/2018 02:13 PM

Theo (mof.gov.vn): Đó là nội dung của Hội thảo do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính phối hợp với Viện Tài chính và phát triển Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Tài chính Trung Quốc) tổ chức vào sáng ngày 01/7/2016 tại Hà Nội. Tới dự và khai mạc Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cùng đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam; Bộ Tài chính Trung Quốc; Ngân hàng thế giới và một số cơ quan kinh tế; doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam; các giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học đến từ các Viện nghiên cứu và các trường Đại học.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều yếu tố mới, nhất là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đòi hỏi các nước trong khu vực không ngừng cải cách hệ thống chính sách kinh tế. Để đảm bảo sự ổn định và bền vững ngân sách, Chính phủ của nhiều nước bên cạnh việc cơ cấu lại các khoản chi tiêu cũng đã đưa ra các lộ trình cụ thể tái đầu tư công, các quốc gia đã không ngừng có các biện pháp về quản lý đầu tư công để gia tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Chính vì vậy, quan tâm quản lý đầu tư công hiệu quả, đặc biệt trong đó có việc đảm bảo về mặt thể chế, chính sách cũng như các phương pháp quản lý đã được các quốc gia, trong đó có Việt Nam rất quan tâm.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, tại Việt Nam, Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là một trong những lỗ lực quan trọng của Việt Nam trong việc tổ chức quản lý đầy đủ và hoàn thiện chế định toàn bộ quá trình đầu tư công, góp phần tái cơ cấu đầu tư công, gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, Bộ Tài chính Việt Nam đang phối hợp chặt với các Bộ, ban, ngành thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công; xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; rà soát các danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư công ở Việt Nam thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Việt  Nam cần hướng tới đồng bộ, thống nhất, hiệu quả để phù hợp với thể chế kinh yế thị trường và yêu cầu hội nhâ[j khu vực và quốc tế. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các Bộ, Ban ngành trong đó có Bộ Tài chính: tăng cường công tác huy động nguồn vốn đầu tư phát triển trong và ngoài nước bổ sung vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức phù hợp như BOT, BT, PPP….; Tăng cường quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước, trong đó chú trọng đối với vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Tuân thủ nghiêm khắc các quy định về giám sát và đánh giá đầu tư….

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo “Quản lý đầu tư công: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” hết sức có ý nghĩa trong nghiên cứu chính sách và vận dụng vào thực tiễn công tác quản lý đầu tư công của Việt Nam. Để góp phần làm rõ những vướng mắc, khó khăn mà các cơ quan quản lý đầu tư công phải đối mặt và tìm kiếm các giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn vướng mắc đó, Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung như: Định hướng những vấn đề  còn vướng mắc trong công tác quản lý đầu tư công liên quan đến thực hiện chiến lược và chính sách đầu tư công nhằm áp dụng cho Bộ Tài chính; Tổng kết và phân tích về những kinh nghiệm điển hình của Trung Quốc và thế giới trong việc quản lý đầu tư công; mô hình hợp tác công tư trong đầu tư công, công tác kiểm tra giám sát trong sử dụng nguồn vốn đầu tư; phác thảo những giải pháp khắc phục những khó khăn và điểm yếu trong công tác quản lý đầu tư công ở Việt Nam hiện nay.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả cũng như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư công hiện nay ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; chính sách và thực tiễn mô hình hợp tác công tư trong đầu tư công tại Trung Quốc; Xu hướng phát triển đầu tư công ở các nước trên thế giới; Tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tại Việt Nam.

Với kinh nghiệm đổi mới đầu tư công ở Trung Quốc, TS. Zhang Chen, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển kinh tế, Bộ Tài chính Trung Quốc, cho rằng: Đổi mới đầu tư công cần phân định ranh giới giữa Chính phủ và thị trường, quyền hạn giữa tư và địa phương. Trên cơ sở xác định ranh giới Chính phủ và thị trường cũng như sự phân quyền giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở đó, Chính phủ rút dần các dự án đầu tư công, tăng cường tính cạnh tranh, mở rộng mức độ dịch vụ công. Đối với thị trường, mở rộng đối tượng tham gia, xóa bỏ độc quyền của DNNN, khuyến khích vốn đầu tư của xã hội. Đối với những lĩnh vực đan xen giữa Chính phủ và thị trường, sản phẩm dịch vụ công, khuyến khích đầu tư theo hình thức công tư (PPP). Còn trên cơ sở phân quyền giữa trung ương và địa phương, thì trung ương chỉ đầu tư những dự án lớn trọng điểm đa lĩnh vực. Còn đối với những dự án thuộc khu vực địa phương, do địa phương phụ trách, trung ương chỉ hỗ trợ chuyển chi từ ngân sách trung ương; Tối ưu hóa chính sách đầu tư công, thời kỳ đầu các dự án là hỗ trợ từ ngân sách, từng bước chuyển sang đầu tư, hỗ trợ lãi xuất, quỹ đầu tư… Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò của Chính phủ, trao quyền cho địa phương, đưa những khoản nợ của địa phương vào dự toán ngân sách. Từ năm 2014, địa phương tự phát hành và tự trả nợ, tăng trách nhiệm của địa phương, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án….

Ghi nhận những chia sẻ và ý kiến đóng góp của các diễn giả, các nhà khoa học cũng như các đại biểu tham dự Hội thảo, PGS. TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính cho biết, quản lý đầu tư công là một vấn đề phức tạp, khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của tất cả các quốc gia trên thế giới. Do đó, với những ý kiến, những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong Hội thảo sẽ được ghi nhận và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý đầu tư công ở Việt Nam trong thời gian tới đây./.

 

Quang Anh (ghi)

Quý vị có thể tìm hiểu thêm chi tiết về Hội thảo tại website của Trường BDCB tài chính; Bản tin thời sự kinh tế trên kênh VTC10 (truyền hình cáp); Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam; Thời báo Ngân hàng online và số xuất bản... và một số kênh thông tin khác.